Giới thiệu kĩ về tôi

Tên: Lê Huyền Chi

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

em-hay-ta-cay-phuong-vi-va-tieng-ve-vao-mot-ngay-he

Gần bên trường em có một cây phượng già, tán lá sum suê, những khi đi học, gặp trời nắng to, em thường đứng dưới gốc cây để tránh nắng.

Không hiểu cây đã trồng được bao lâu rồi. Em chỉ nghe ông bảo vệ già nói từ buổi đầu về trường này là ông đã thấy nó rồi, ngót nghét đến nay cũng đã mười hai năm. Cây phượng thật cao, ngọn của nó vượt cả mái ngói của trường. Thân to phải bằng cả ba vòng tay ôm của chúng em. Lớp da bên ngoài đã bạc phếch vì gió sương. Quanh gốc cây có cái bờ gạch nhỏ, đường kính khoảng năm mét, đã được một người tốt bụng nào đó tô láng bằng xi măng. Đó cũng là điểm hẹn của chúng em vào những buổi trưa hanh nắng. Cũng trên bờ gạch đó, chiều chiều em thường ngồi ngắm cây phượng tỏa bóng mát che cả một khoảng sân. Cái thân tròn tròn của nó đâm thẳng khoảng ba mét thì phân nhánh. Những nhánh to, nhánh nhỏ đều mọc xiên, đâm xòe ra các phía đầy những tán lá, trông xa như một cây dù to tướng màu xanh. Những chiếc lá phượng xòe ra đều đặn, đối xứng nhau. Lá đan dày đặc hứng nắng, gió, mưa và sương, do vậy khi ngồi dưới gốc cây em có cảm giác thật an toàn và mát mẻ. Đẹp nhất là khi phượng vào hè, hoa từng chùm trông rực rỡ hẳn lên, dù trời mưa hay nắng. Mưa, sắc hoa thâm lại. Nắng, sắc hoa tươi rực lung linh. Mỗi bông hoa nở, cánh xòe ra như cánh bướm, chỉ cần một cơn gió thoảng qua là chúng em vội chạy ra nhặt lấy đem về ép vào trang vở làm thành những chú bướm với đôi râu là chiếc nhụy vàng xinh xinh.

Ve kêu ra rả dưới tán lá phượng, hè về cũng là lúc chúng em chia tay nhau, chia tay cả gốc phượng già, nơi cho em bóng mát, cho cả kỉ niệm tuổi học trò.


Mùa hè yêu thương

Tôi cầm trên tay cành bằng lăng sắc tím dịu mát. Hạ đã về rồi, bâng khuâng cùng biết bao kỷ niệm. Trang sách hồng tuổi thơ in dấu những cánh phượng hồng, những tiếng ve ngân da diết của mỗi buổi chiều nắng đỏ yêu thương. Mây bay, gió ùa... Từng cơn gió nhẹ nhàng mang theo mùi nồng mặn của xứ sở bay đến khắp muôn nơi. Xuân qua, hạ đến, phút giây khẽ xao động trong cái tâm trí của người học sinh, tràn trên những vần thơ, khắc trên những kỷ niệm. Man mác cái hơi thở của mùa hè, lắng đọng chút dịu dàng của tà áo thiên thanh. Cùng với mưa, cùng với nắng,.... Hạ đã về rồi ư?
     Tôi yêu cái không gian này - những hạt nắng cứ lung linh, đầy đặn, trong trắng đến hồn nhiên, nhảy múa, nhấp nhô trên những tán cây bằng lăng đang ấp ủ những đứa con, để rồi tung mình bung ra những chùm hoa tím biếc ngập trời khi hạ đến.Cộng thêm cả cái gió thoảng đìu hiu, lạc lõng giữa trời tháng 3 Việt Trì. Những hạt nắng ngu ngơ đậu trên những ngọn cây, hay chạy nhảy đuổi nhau trên đường phố rong ruổi tháng ngày, khiến lòng người nao nao đến khó tả.
     Tôi cũng yêu lắm cái cơn gió thoảng hiu hiu nơi phố phường ồn ã. Gió nhẹ nhàng, gió mặn mà,... Nó cứ phơi phới cái sức sống nồng thắm như nàng thiếu nữ vừa tròn đôi mươi đang đứng trước cái ngưỡng cửa của cuộc đời, vừa e rè, vừa lo sợ nhưng lại tự tin và căng tràn sức sống. Gió chạy nhảy nghịch ngợm, sà vào mái tóc của chị Mây. Nó tinh nghich nhảy nhót trên những tán bàng xanh màu của sự sống. Nó hồn nhiên vui đùa cùng với nắng, cùng với hoa, hoà vào sự ngọt ngào của mùa hạ.
      Hạ về, cũng là lúc chúng ta lao đầu vào sách vở để ôn tập thật tốt cho đợt kiểm tra cuối kỳ. Dưới tán bàng xanh tươi lộng lẫy kia, từng tốp học sinh đang cùng nhau ôn bài, cười nói vui vẻ. Ngày tháng cứ trôi, và rồi kỳ kiểm tra cũng chấm dứt... Ve kêu náo động cả một khoảng trời, chất chứa bao cung bậc cảm xúc của người học sinh. Mỗi khi mùa hạ kết thúc, những ánh mắt buồn rầu lại nhìn nhau quyến luyến, bịn rịn.Có những đôi mắt lại ầng ậng nước long lanh, long lanh khi nắng vô tình chạy qua, chạm phải. Có cái miệng run run không biết nói gì, có đứa lại oà khóc không kìm được lòng ôm lấy đứa bạn thân nức nở.Thời gian trôi qua nhanh lắm! Hãy biết trân trọng nó, níu giữ nó. đừng để nó trôi qua vô ích rồi đến khi nhận ra cũng đã muộn lắm rồi.
     Mùa hạ đang đến, nó đến với hiền lành của nắng gió và sẽ đi qua trong dịu ngọt của tình bạn. Mùa hạ đang đến với bạn, với tôi, với cái cảm xúc bâng khuâng gõ cửa tâm hồn:
Khung trời mộng có phượng hồng rực cháy
Mưa đầu mùa đang gõ nhịp trong tim.

Tả về ông

Hôm qua là sinh nhật ông nội tớ! Ông mất khi tớ vừa tròn 6 tháng tuổi! Ông mất khi tớ chưa kịp có những khái niệm hay nhận biết cụ thể về ông nhưng tớ luôn có những cảm giác rõ ràng về ông qua những chuyện kể của bà và mọi người trong gia đình.

Người ta nói “sống gửi thác về” và khi con người ta trở về với cát bụi thì người trần gian lấy ngày giỗ để tưởng nhớ họ... Nhưng gia đình tớ hơi khác một chút, ngày giỗ đã đành nhưng vào ngày sinh nhật của ông bà, hay bác tuy đã mất rồi nhưng cả nhà đều làm gì đó để tưởng nhớ.

Nếu ông còn sống thì lần này là ngày sinh thứ 98 của ông, bố mẹ sửa lễ, còn tớ đi làm thật sớm để mua hai chục sen thắp hương bàn thờ ông bà. Tớ cũng không biết có phải ông nội thích hoa sen hay không, nhưng một năm trước khi bà mất, vào ngày giỗ ông bà đã nhất định nói tớ phải tìm mua bằng được chục sen trắng thắp hương ông... Tớ nhớ điều đó và hôm qua dậy thật sớm, mua hai chục sen mang về nhà rồi mới vòng xe đi làm. Sáng sớm nay tớ nghe tiếng bố mẹ trò chuyện trên tầng 4, khen rằng tớ mua sen đẹp quá, những cánh sen trên bàn thờ ông bà đã xòe cánh và tỏa ngát hương... Tớ biết bố mẹ tớ đang rất vui...

Ông ngoại mất trước khi tớ ra đời 10 năm, ông nội mất khi tớ được nửa tuổi… Ông ngoại là thầy giáo, còn ông nội là nhà ngoại giao, đôi khi tớ ao ước lắm lắm rằng tuổi thơ của mình có cả hai người ông dạy bảo. Tớ không có những phút được ông đưa đi chơi, được ông dạy cho mọi điều trong cuộc sống. Tớ thèm cảm giác được có ông. Có ông sẽ tuyệt thế nào nhỉ? Bố mẹ cả ngày bận rộn với công việc, bà có thời gian trông nom các cháu nhưng có những phút bận cơm nước, anh chị em có lúc còn phải học... vậy là trong gia đình đương nhiên ông sẽ là người có nhiều thời gian nhất để “thủ thỉ” với cháu rồi.

Và thế là tớ thích tưởng tượng cảnh nếu từ nhỏ tớ còn cả ông nội và ông ngoại, tớ sẽ hỏi ông những điều gì, ông sẽ trả lời tớ ra sao.

Tớ thích tưởng tượng cảnh ông ngồi trên chiếc ghế sắt Liên Xô ở hiên nhà và đọc tờ báo Nhân Dân.

Tớ thích tưởng tượng cảnh chiều chiều ông dạy tớ học bài, cho tớ đi Bách Thảo và nói cho tớ tên của từng loại cây.

Tớ thích tưởng tượng cảnh ông bà hàng chiều dắt tay nhau sang nhà các con cháu chơi và trở về vào đúng giờ cơm tối...

Hồi học cấp I, có lần tớ phải ở nhà một mình, tớ rất sợ, và bạn có biết tớ đã làm gì không? Tớ nhìn lên bàn thờ ông, và nghĩ rằng, đừng sợ, vì ông luôn ở bên cạnh mình! Thấy bạn bè có ông đưa đi học, ông kể cho bao nhiêu chuyện, dậy bao nhiêu điều thú vị... tớ ghen tỵ lắm. Tớ có bà, điều đó đã là hạnh phúc hơn bao nhiêu người rồi, bà chăm sóc tớ từ nhỏ, bà dậy tớ rất nhiều điều, nhưng vẫn khác lắm nếu tớ còn ông...

Trong cảm nhận và tưởng tượng của tớ, ông là một nhà ngoại giao tuyệt vời, ông là người yêu nước, là người chịu hy sinh, là người chồng tình cảm, là người cha tận tụy với 9 người con, người bố chồng luôn tâm lý với cô con dâu là mẹ tớ, là người ông cực nghiêm khắc với các anh chị tớ... Ông không nói nhiều, ông cười rất hiền, và ông biết không, ánh mắt ông trong tấm ảnh trên bàn thờ đã tiếp sức cho tớ rất nhiều!


Gia đình tôi năm 1985 - hình ảnh: theo blog Chit
Các anh chị em nhà tớ chưa bao giờ chán nghe chuyện tình những năm đầu thế kỷ XX của ông bà. ( Ông bà tớ là phù dâu và phù rể trong một đám cưới, và hôm đám cưới người bạn ông bà, có một tiếng sét yêu đã đánh đoàng một cái... thế là sau này có bọn tớ đấy)... Và ông bà, luôn là hình mẫu đẹp để chúng tớ hướng tới.

Tớ không bao giờ quên câu chuyện cái tên của tớ được ông đặt giữa những Mai Anh, Ngọc Anh... làm bà và bố mẹ đau đầu vì lựa chọn, và ông đã “thắng” cả nhà với cái tên theo tớ suốt cuộc đời đấy!

Tớ không bao giờ quên chuyện kể vào ngày đầy tháng tớ, ông nội lom khom xếp cả một hộp bánh quy- mấy chục chiếc bánh nhỏ xíu thời bao cấp khó khăn đó thành chữ A – biểu tượng tên của tớ!

Tớ không bao giờ quên chuyện kể những lúc bà đi chợ nấu cơm, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt là bế tớ. Chẳng mấy người cha, người ông biết ru trẻ con, ông tớ cũng vậy, nhưng bạn có biết ông RU tớ thế nào không: “Dùng dình dùng dình, dùng dình dùng dình”. Tớ không biết ý nghĩa của những câu ông Ru, nhưng tớ biết khi bế tớ và nói những câu như thế, ông nghĩ rằng cháu gái của mình sẽ ngoan, rất ngoan.

* Tớ không bao giờ quên mọi người kể khi tớ đầy nửa năm, ông mất. Đó là một ngày hè nóng lắm... Hôm ấy tớ vô tư ở bên nhà hàng xóm và ăn hết hơn một đĩa bột rất to...

Ông tớ dáng cao cao, gầy gầy. Ông bị cận khá nặng (hồi xưa bà tớ xem tử vi thấy bảo lấy phải anh chồng có tật ở mắt, bà lo lắm, ai ngờ “vớ” phải đúng anh chàng trí thức cận thị...) Tớ rất tự hào vì tớ có đôi mắt hiếng cận thị giống ông!



Nếu bạn vẫn còn ông bà, đó không chỉ là điều may mắn mà còn là niềm hạnh phúc, hãnh diện. Một cuộc gọi điện hỏi thăm ông bà, một vài phút lắng nghe ông bà kể chuyện một ngày của ông bà, một chút thời gian đưa ông bà đi chơi... Bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi đấy!

... Ông bà nội ngoại của tớ mất cả rồi. Thường ngày bận bịu công việc, có khi thắp nén hương cho ông bà cũng quên nhưng có những lúc nhớ lắm lắm... Tớ tin một điều rằng, ở nơi xa lắm, ông bà nội, ông bà ngoại của tớ đang cùng dắt tay nhau tới những nơi rất đẹp, và thỉnh thoảng ông bà sẽ ghé về nhà con cháu vào những sớm mai hay khi cơm chiều vừa dọn!
(ST)

Nhà chỉ có một cái tivi. Tối cuối tuần, ông bà thích xem cải lương, còn cháu lại mê bóng đá. Ông bà đã già, thần kinh không còn tốt nên cứ vừa xem lại vừa ngủ gật. Vậy, nhưng lại cứ thích xem.

Đứa cháu sốt ruột nói: "Ông bà ngủ gục mà xem gì. Thôi để cháu xem bóng đá cho rồi". Vừa nói, nó vừa lấy cái điều khiển từ xa bật qua xem đá bóng. Thằng cháu mê mải xem, chẳng hề để ý đến ông bà đang ngồi nhìn nhau, ái ngại và pha lẫn bực dọc. Ông bảo bà, giọng hơi lẫy: "Thôi đi ngủ, bà". Thằng cháu vẫn vô tư ngồi xem ti vi, không hề biết rằng đã làm ông bà buồn. Hôm sau, ông kể lại câu chuyện ấy với bạn bè thì mới hay: ông chẳng phải là trường hợp ngoại lệ.

Nhà ông bà Minh chật chội, kinh tế lại khó khăn không có điều kiện cho con cái ra riêng. Con trai, con gái lập gia đình xong đều về ở chung thành một đại gia đình. Mâu thuẫn giữa chị chồng, em dâu; con cô, con cậu thường xuyên xảy ra khiến ông bà phải phân xử phát mệt. Nhưng la đứa này thì lại sợ đứa kia suy diễn ông bà "nhất bên trọng nhất bên khinh". Rồi đến việc ông bà ưng ăn cơm nát, có canh, rau còn bọn trẻ thì lại thích ăn cơm khô, thức ăn kho khô. Thường thì bố mẹ bọn trẻ thường chiều theo ý của chúng hơn... Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm ông bà không mấy khi được thanh thản.

Sự khác biệt giữa già với trẻ là tất yếu vì già đã qua thời trẻ còn trẻ thì chưa tới tuổi già. Sự khác biệt thế hệ khiến cho nhiều gia đình "tam, tứ đại đồng đường" khó tìm được tiếng nói chung trong sinh hoạt hàng ngày và trong lối sống. Do trải qua những tháng ngày vất vả, nghèo túng nên người già rất tiết kiệm, chắt chiu. Anh Trần Khánh Giang tâm sự: "Mỗi lần sắm sửa vật dụng trong nhà là tôi đến khổ với mẹ. Tính bà tiết kiệm, chẳng muốn tôi tốn tiền mua sắm gì cả. Có lần tôi thuê người chở cái máy lạnh về nhà, cụ cứ mắng xối xả cái anh xích lô làm cho anh ta chạy mất dép. Chẳng bao giờ bà cho con cháu vứt đi tí đồ cũ nào mà cứ gom góp lại, để chật tủ, chật phòng, dù chẳng bao giờ dùng đến nữa".

Không chỉ khác nhau trong sinh hoạt mà mâu thuẫn già - trẻ thường phát sinh khi **ng tới vấn đề "lập trường-quan điểm". Người già thường theo những nếp suy nghĩ cũ, khó thích nghi với lối sống hiện đại, có phần vị kỷ của lớp trẻ. Trẻ thường chê già trái tính, còn già lại trách trẻ ích kỷ, vô ơn.

Người già, phải đối mặt với quá trình suy thoái nhanh theo quy luật tự nhiên. Sức khỏe giảm sút, không còn nhanh nhẹn như xưa. Trí nhớ chủ yếu của người già là về những sự kiện thời trai trẻ, những lối sống, hoàn cảnh cũ mà tuổi trẻ không thể cảm nhận được, còn những việc trong hiện tại lại mau quên... Bởi vậy con cháu cần phải hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý của tuổi già để hiểu và thông cảm với các cụ hơn. Tuy nhiên, người già có những ưu điểm mà người trẻ không thể có được là tình thương vô bờ, luôn dành cho con cháu phần tốt nhất vì với họ, con hay thì được nhờ, con dở thì mình đành chịu. Người già là một kho kinh nghiệm và là cầu nối giữ gìn tính chất gia tộc truyền thống... Chị Hoàng Thanh Nga kể lại: "Ba tôi là người thương con cháu vô bờ. Mọi việc ăn uống tắm rửa cho các cháu đều một tay ông lo liệu. Chuyện cúng quải, ơn nghĩa với họ hàng cũng đều một tay ông. Với tôi, ông vừa là cha vừa là mẹ. Bởi vậy khi ba mất, tôi hụt hẫng cả năm trời…".

Ông Khưu Chương Sằn, 82 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước, hiện nuôi mẹ già trên trăm tuổi và có một đại gia đình đông đúc gần 30 con cháu - được địa phương bầu chọn là gia đình ông bà mẫu mực, con cái thảo hiền, đã đúc kết kinh nghiệm sống của mình: "Đã là cha mẹ, ông bà thì sống phải mẫu mực, sống sao cho con cháu nể sợ và noi theo. Sống chung trong đại gia đình mọi người phải nhường nhịn nhau mà sống, dạy con cháu biết tôn trọng, vâng lời ông bà, cha mẹ. Con cháu có gì sai trái thì phải gọi chúng đến trách mắng đàng hoàng, không **ng đâu nói đó... dễ sinh nhờn".

Đối với người già, để không cản trở cuộc sống của con cháu mình, cần tích cực tham gia vào xây dựng đại gia đình, có thể chủ động bàn bạc với con cái để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất cho cả hai thế hệ già-trẻ, cố gắng khắc phục những "khoảng trống" theo hướng tích cực. Đối với người trẻ cũng cần phải tôn trọng ý kiến, sở thích của ông bà, cần phải luôn ghi nhớ lời dạy của người xưa: "Trẻ cậy cha, già cậy con"


Thư giãn

GIẢI HỎNG

Tý:    - Mẹ ơi, hôm nay cô giáo con thông báo kết quả thi HSG rồi. Con cũng có giải đấy mẹ ạ.
Mẹ:  - Thế con của mẹ được giải gì để mẹ thưởng nào?
Tý:    - Ai đi thi cũng có giải mẹ ạ, có bạn được giải Nhất, có bạn được giải Nhì, giải Ba, còn con được giải Hỏng.

Mẹ:   - !!!
Bánh Trung Thu "cao cấp"
Thông minh: Chả hiểu sao, hôm qua tớ mua cái bánh Trung Thu ở cửa hàng "Bánh Trung Thu cao cấp" mà ăn vào bị Tào Tháo đuổi mấy lần liền. Thế mà họ để biển là "cao cấp" nhỉ!
Mít đặc: Trông thế mà cậu chả biết gì nhỉ, ha....ha.......
Thông minh: Đấy, cậu biết vì sao thì nói đi.
Mít đặc: Thế, nếu người ta để biển là "Bánh Trung Thu thấp cấp" thì ai thèm mua, đúng không!
Thông mình: Ờ nhỉ..... có lý.
Chọn ghế
 Phương phì: Vui quá! Mai là ngày khai giảng rồi.
Quân còi: Tớ hứa mai sẽ chọn cho cậu 1 chiếc ghế chắc chắn nhất và mới nhất!
Phương phì: Ôi! Cậu tốt quá, cảm ơn nhé!
Quân còi: Không phải cảm ơn đâu. Kẻo cậu ngồi ghế cũ nhỡ xập ngã vào người tớ gãy chân thì khổ.
Phương phì ( Tức đỏ mặt): Hừ!!
........


Luôn bên bạn

Đừng sống trong quá khứ
Hãy sống với hiện tại
Vượt qua mọi khó khăn
Đừng nản chí, lùi bước.

Hãy quên đi tất cả
Những nỗi buồn khi xưa
Mọi thứ sẽ qua đi
Chỉ cần bạn cố gắng.

Hãy sống cho thật tốt
Sống có tình yêu thương
Vượt lên trên tất cả
Để tiến đến niềm vui.

Chúc bạn luôn vui nhé!
Luôn bên bạn là tôi
Những lúc bạn thấy buồn
Sẻ chia cùng bạn nữa.

Chúng ta mãi bên nhau
Sống những ngày vui vẻ
Luôn bên nhau bạn nhé!
Chỉ có bạn và tôi.

Tả Con đường từ nhà đến trường

Con đường từ nhà đến trường là cả một chặng đường dài đầy thơ mộng.Em hãy tả lại con đường đó và nêu lên cảm nghĩ của mình.

Bài làm:
Sáng nay, bầu trời cao xanh lồng lộng. Ánh nắng chan hòa khắp mọi nơi. Tôi lại tung tăng cắp sách tới trường, trên con đường làng quen thuộc. Đó là cả một chặng đường dài đầy thơ mộng đối với tôi.

Ôi chao, con đường mới đẹp làm sao! Nó như một dải lụa đào mềm mại. Lúc thì uấn quanh xóm làng, lúc thì men theo đầm nước, lúc lại chạy giữa cánh đồng. Đó là con đường trải nhựa phẳng lì, nhẵn bóng. Mặt đường không rộng lắm nhưng cũng đủ để hai ô tô tránh nhau. Mặt đường lúc nào cũng sạch bong.Trời nắng không một tí bụi, trời mưa không một vũng nước. Bởi con đường được thiết kế rất khoa học. Lồi lên ở giữa và thoai thoải về hai bên để tiện cho việc thoát nước. Khác hẳn với con đường trước đây chưa được giải nhựa. Mặt đường hẹp lại gồ ghề. Trời nắng bụi tung mù mịt. Trời mưa, đường trơn như đổ mỡ. Thế mà giờ đây, được sự quan tâm của Đảng con đường đã hoàn toàn khác. Nó như một cô Tấm còn e ấp vừa bước ra từ quả thị.

Để tô điểm cho con đường thêm đẹp thêm xinh, hai bên đường, người ta còn trồng cây xanh rợp bóng mát. Vào mỗi buổi sáng, trên con đường nhộn nhịp hẳn lên bởi các chú chim ríu rít chuyền cành trên các tán lá cây. Dưới mặt đường tấp nập người qua lại. Ai cũng đều cảm thấy thỏa mái mỗi khi đi trên con đường này. Không những thế, những ruộng lúa rau mầu hai bên đường còn mang lại hương thơm ngan ngát. Đặc biệt đến đoạn đường gần trường có hàng cây bạch đàn chạy dài cả trăm thước. Lần nào đi qua đấy tôi cũng thả lòng mình hít thở thấy sự khoan khoái thấm sâu vào từng thớ thịt.

Đã từ lâu, con đường từ nhà đến trường đã trở thành người bạn thân thiết của tôi. Đường cùng tôi đi học, đường cùng tôi về nhà, đường còn chia sẻ bao niềm vui nỗi buồn trong những năm tháng cắp sách tới trường của tôi.

Ôi con đường đến trường thật thân thuộc...! Nó quả là một người bạn không thể thiếu được của tôi. Tôi rất tự hào về con đường này. Hình ảnh con đường với bao kỉ niệm sẽ mãi mãi in đâm trong tâm trí tôi.


Cây bút thần

I. Mở bài:
- Giới thiệu hoàn cảnh của chính bản thân:
+ Mồ côi cha mẹ từ nhỏ
+ Phải tự thân kiếm sống
+ Thích vẽ.
II. Thân bài:
1. Trước khi có cây bút thần.
- Học vẽ thành tài.
- Thần cho cây bút: vẽ mọi thứ thành thật.
2.Những việc làm khi có cây bút thần.
- Đối với mọi người:.
+ Ta vẽ cho tất cả người nghèo: cày, cuốc, thùng múc nước, đèn…
- Đối với tên địa chủ:
+ Mặc cho hắn dụ dỗ, dọa nạt, ta cũng không vẽ gì cả.
+ Bị nhốt, ta vẽ bánh nướng để ăn, lò sưởi để chống rét,thang và ngựa chạy trốn, vẽ cung tên bắn chết tên địa chủ.
- Đối với nhà vua:
+ Vua bắt vẽ rồng, ta vẽ cóc ghẻ
+ Vua bắt vẽ phượng, ta vẽ gà trụi lông.
+ Vua bắt vẽ núi vàng, ta vẽ núi đá.
+ Vua bắt vẽ thỏi vàng, ta vẽ mãng xà.
+ Vua bắt vẽ biển để ngao du, ta vẽ biển động dữ dội.
=> Chiếc thuyền bị chôn vùi trong những lớp sóng dữ.
=> Đó là cái giá phải trả cho những kẻ tham lam và độc ác.
III. Kết bài:
- Từ đó ta đã đi khắp nơi để giúp đỡ những người dân nghèo khó.
- Mặc dù có cây bút thần nhưng không bao giờ ta vẽ vàng bạc châu báu mà chỉ vẽ những vật dụng hàng ngày mà con người cần đến vì phải dựa trên lao động, con người mới quý trọng những gì mình làm ra.


Em hãy kể câu chuyện Thạch Sanh

Thạch Sanh nhà nghèo, mồ côi từ nhỏ, chặt củi để nuôi thân, lấy gốc đa làm nhà. Năm 13 tuổi Thạch Sanh được tiên ông dạy cho phép thuật, khi võ nghệ cao cường chàng được ban cho một chiếc búa thần. Lý thông làm nghề bán rượu kết nghĩa anh em với Thạch Sanh.

Hắn lừa Thạch Sanh đi nộp mạng cho trăn tinh. Thạch Sanh giết trăn tinh, chàng cắt đầu đốt xác yêu quái, ai ngờ được cung tên vàng. Lý Thông cướp công Thạch Sanh, tìm cách đẩy người em kết nghĩa trở lại gốc đa. Thạch Sanh bắn bị thương Đại Bàng, lần theo vết máu đến hang sâu.

Chàng đã cứu được Quỳnh Nga con vua Viện Vương và hoàng tử con vua Thủy Tề. Chàng được mời xuống thăm Thủy cung. Tại đây chàng chinh phục được Hồ tinh. Vua Thủy tề tặng chàng một cây đàn và một cơm niêu thần. Trở lại dương gian, Thạch Sanh bị hồn ma trăn tinh và đại bàng lập mưu hãm hại. Thạch Sanh bị giam vào ngục tối. Chàng lấy đàn thần ra gảy, công chúa Quỳnh Nga đang ốm đau bỗng tươi tỉnh lại nói cười khi nghe tiếng đàn thần. Mưu gian của Lý Thông bị bại lộ, triều đình lột hết chức tước, đuổi về. Giữa đường cả hai mẹ con bị thiên lôi đánh chết, biến thành bọ hung. Thạch Sanh được kết hôn cùng công chúa Quỳnh Nga. Quân 18 nước chư hầu kéo đến vây kinh đô, Thạch Sanh gảy đàn thần lui giặc, không mất một mũi tên không chết một mạng người nào: chỉ một niêu cơm Thạch Sanh được tặng mà 18 nước chư hầu mãi không hết. Thạch Sanh được phong quốc trạng, ít lâu sau, vua Viện Vương nhường ngôi báu cho Thạch Sanh.


Cảm nghĩ về người thầy

Giữa dòng đời bươn trải, tâm hồn người cũng ngập chìm vào những lo toan, tính toán chuyện áo cơm, lợi danh, chuyện bán buôn cả tình cảm, trí tuệ … Thời gian làm tôi gợi nhớ, có thể dẫn dắt tôi về với những ký ức xa xưa, thời gian đã làm được điều đó, bao kỉ niệm ùa về trong tâm trí. Hình ảnh người thầy hiện ra trước mắt tôi cùng với bao buồn vui của kỉ niệm thân thương một thời …


Thầy tôi, một người thầy đặc biệt, một người đã để lại cho tôi nhiều tình cảm và cái ấn tượng cực kì sâu sắc, tốt đẹp. Năm học ấy, một năm học mang đến cho tôi không ít điều mới lạ, nhiều điều tưởng chừng như rất đỗi mộc mạc, giản đơn nhưng lại đậm ý nghĩa sâu sắc.


Những ngày đầu tôi bước chân vào lớp 8, lớp tôi là tập thể hội tụ nhiều học sinh đầy “cá tính” và một người thầy chủ nhiệm có phong thái, cốt cách khá lạ đối với tôi. Điều đó làm tôi nảy ra những suy nghĩ vô tư, trẻ con về thầy. Nhưng rồi sau một thời gian, lúc tôi bắt đầu hiểu thầy hơn, cũng là lúc tôi nhận ra một điều, chính nhờ thầy mà lớp tôi luôn được xem là một tập thể tốt, một tập thể dẫn đầu trong các lớp đại trà của khối 8.


Nói về một kỉ niệm đáng nhớ, tôi không thể nói, bởi tôi không có 1 kỉ niệm mà là có quá nhiều, quá nhiều kỉ niệm về thầy . Biết nói làm sao cho hết đây, khi những kỉ niệm đó khắc sâu vào tâm trí tôi ? Ngày ấy… giờ chỉ còn là kỉ niệm, chuyện cũ giờ chỉ còn là vần thơ… Kỉ niệm thân thương ơi, đưa tôi về với những buồn vui, với những nụ cười … với những dìu dắt nâng niu…


Ngày trước, môn Văn đối với tôi như một cái gì vô cùng khô khan, chán ngán, tôi học tệ với bộ môn này, chẳng lấy nổi một chút thích thú để học, những bài văn của tôi không bao giờ lên đến điểm 6. Thế đấy, dường như đó là một thứ gì đó rất xa xỉ. Hoài Thanh từng nói “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”, nhưng tôi có thấy thế đâu, tôi có nhận được gì đâu !? Văn chương không cho tôi tình cảm mà tôi không có, mà ngược lại, đó chỉ là một sự khô khan, không cảm xúc; luyện cho tôi những tình cảm tôi sẵn có ? Hay là sự buồn chán và nhạt nhẽo hơn thế nữa ? Tất cả dường như là vô vọng, tôi trở nên bất lực, không một chút tiến triển về bộ môn này. Nhưng lạ thay, khi được bàn tay thầy dìu dắt, tôi như trở thành một người khác, một sự thay đổi lớn đến kinh ngạc trong tôi. Tất cả là nhờ công ơn của thầy, nhờ thầy mà tôi đã vứt bỏ những suy nghĩ tiêu cực về môn Văn tự bao giờ không biết, nhờ thầy mà tôi có nhiều xúc cảm hơn khi làm Văn, cứ thế… cứ thế, môn học này bỗng dưng trở thành môn học yêu thích của tôi, khi cách viết Văn của tôi thay đổi như “lột xác” thì đó cũng là lúc tôi yêu bộ môn này.


Tiếng của thầy tôi ấm áp lắm, truyền vào trang vở với bao khát vọng, với bao tình yêu thương học trò và sự nhiệt huyết, đó như một cơn gió ươm mầm sống cho tương lai vì cả một thế hệ khôn lớn thành người. Nhớ làm sao vào những ngày thứ 7, mỗi ngày là một câu chuyện về học tập, về xã hội, về cuộc sống, về những con người nghèo khó, bất hạnh và về cách sống đẹp mà thầy mang đến cho chúng tôi. Thầy tôi thích đọc báo, thầy cập nhật mọi tin tức về các lĩnh vực hằng ngày, nên khi có những bài viết hay và ý nghĩa là thầy liền phô-tô cho chúng tôi xem, và cứ thế, lớp tôi như trở thành những người khách đọc báo miễn phí, chẳng bao giờ tốn tiền cả.


Thầy tôi – người lái đò thầm lặng, thầy luôn bao dung và nặng lòng với cuộc sống, với những học trò đã được bàn tay thầy nâng niu dìu dắt, những người thành đạt, và cả những người vô danh. Thầy đã cho đi quá nhiều và không đòi hỏi được nhận lại, chỉ mong sao các học trò của mình lớn khôn và có ích cho xã hội. Bất chợt một xúc cảm lạ, tôi cảm giác như 1 thứ gì đó trộn lẫn vào nhau, từ chuyện buồn đến chuyện vui, tất cả hòa quyện vào nhau và tạo nên thứ tình cảm mà tôi không biết phải dùng một mĩ từ nào để có thể diễn tả được cái tình cảm nhẹ nhàng, sâu lắng ấy. Tình cảm thầy trò, một trong những tình cảm thiêng liêng, trong sáng và cao đẹp nhất.


Trong giây phút này tôi chỉ biết lặng im, biết nói sao đây những nỗi niềm thầm kín, một điều mà chúng tôi chưa bao giờ được cất lên, chưa bao giờ, chưa bao giờ cả… Nghĩ lại mà thấy chúng tôi vô tâm quá, thầy luôn quan tâm đến chúng tôi, nhưng ngược lại, chúng tôi chẳng bao giờ màn tới những cảm xúc của thầy, kể cả những lúc thầy buồn vì chúng tôi, điều đó cũng chẳng là gì, chúng tôi cũng không quan tâm. Xin lỗi thầy nhiều lắm thầy ơi ! Chúng em xin lỗi thầy vì sự nghịch ngợm, vì sự vô tâm, vì tất cả những gì chúng em đã làm cho thầy buồn, xin lỗi thầy vì tất cả, kể cả những lỗi mà chúng em không có, dù en vẫn biết đây chỉ là một lời xin lỗi muộn màng… Nhưng, sau tất cả những chuyện mà chúng tôi gây ra, thầy vẫn không hề giận chúng tôi…


Mùa hè đến vội vàng, những ngày cuối cùng lớp được ở bên thầy, tôi nghe trong lòng mình nặng tríu nỗi buồn, mọt nỗi buồn miên man, sâu thẳm … Rồi cái ngày ấy cũng đến, cái ngày mà thầy chia tay lớp tôi, trước buổi tiệc liên hoan, thầy đã tâm sự với lớp, thầy cũng đã nói, nói ra những điều mà trước giờ thầy chưa bao giờ nói cho chúng tôi nghe, chưa bao giờ nói cho chúng tôi biết. Chẳng hiểu sao họng tôi nghẹn ứ lại, khóe mắt tôi cay nồng, tôi khóc ư ? Không, không phải đâu, rõ ràng tôi đã gượng cười để nuốt những giọt nước mắt ấy vào tim rồi đấy thôi, không thể nào gọi là khóc được …


Thời gian lướt qua ta như một cơn gió, và chẳng bao giờ quay trở lại. Còn đọng lại một chút gì, còn ai nhớ về những kỉ niệm đó, một giọng nói, một ánh mắt, một nụ cười và giọt mồ hôi của người lái đò thầm lặng – người thầy năm ấy vẫn âm thầm, miệt mài và tận tụy với sự nghiệp trồng người của mình. Có đôi lúc, tôi vẫn thường bắt gặp thầy với những bước đi vội vã dưới hàng cây xanh, một cơn gió đìu hiu thổi qua, và những lá phượng rơi rơi sao tha thiết, tôi đứng nhìn thầy ở một nơi nào đó, dường như rất gần và cũng rất xa… thầy vẫn đi, buồn vui lặng lẽ…


Dẫu cho năm tháng vô tình trôi mãi, hình bóng thầy sẽ chẳng thế nào phai, như những công ơn lớn lao mà thầy đã mang đến, em sẽ viết thật lớn tên thầy vào tim. Mai đây em ra đi trên đường đời lạnh lùng, mang theo bao yêu thương kỉ niệm xưa ấm êm, sẽ mãi lời thày dìu dắt em hôm qua. Những ngày tháng êm đềm xưa ấy, sẽ không bao giờ tan biến đi, người thầy luôn ở trong tim em, thầy ơi !


Tả mẹ của em

Trong gia đình, vì em là con út nên ai cũng thương yêu em hết mực, nhưng mẹ là người gần gủi, chăm sóc em nhiều nhất.

Năm nay, mẹ em gần bốn mươi mốt tuổi. Với thân hình mảnh mai, thon thả đã tô đậm cho mẹ với vẻ đẹp của người mẹ hiền từ, mái tóc đen óng mượt mà dài ngang lưng được mẹ thắt lên gọn gàng khi ra đường. Đôi mắt mẹ đen láy luôn nhìn em với ánh mắt trìu mến gần gũi. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan với làn da trắng. Đôi môi mỏng đỏ hồng nằm dưới chiếc mũi cao thanh tú làm cho càng nhìn càng thấy đẹp. Khi cười nhìn mẹ tươi như hoa, đóa hoa hồng vừa nở sớm mai. Đôi bàn tay mẹ tròn trịa, trắng trẻo đã nuôi nấng, dìu dắt em từ thưở em vừa lọt lòng. Giọng nói của mẹ đầy truyền cảm, lúc mượt mà như tiếng ru, lúc ngân nga như tiếng chim họa mi buổi sớm. Mẹ em may và thêu rất đẹp, đặc biệt là may áo dài, thường ngày mẹ hay mặc bộ đồ bộ gọn gàng, khi đi dạy học mẹ mặc những bộ áo dài cũng do mẹ tự may trông thật duyên dáng, sang trọng.

Ở nhà, mẹ là người đảm nhiệm công việc nội trợ. Mẹ giao cho em các công việc nhẹ nhàng như: quét nhà, gấp quần áo... Còn ba thì phụ mẹ giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thỉnh thoảng mẹ mua hoa về chưng ở phòng khách cho đẹp nhà. Mỗi khi khách đến mẹ luôn đón tiếp nồng hậu, mời khách đĩa trái cây và nước mát. Sáng mẹ là người thức dậy sớm để chuẩn bị thức ăn sáng cho cả nhà, để hai anh em cùng cắp sách đến trường kịp giờ học. Khi em ốm đau mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Buổi tối, mẹ thường dành khoảng ba mươi phút để giảng bài cho em, sau đó mẹ ngồi chấm bài, soạn giáo án chuẩn bị cho tiết lên lớp ngày mai ở trường... Mẹ rất nhân hậu, hiền từ, khi lên lớp mẹ xem học trò như các con của mình, cũng dìu dắt thương yêu hết mực nên mẹ được rất nhiều học sinh yêu mến. Khi em phạm lỗi, mẹ chỉ nhắc nhỡ chứ không mắng và cũng chưa đánh em bao giờ.

Mẹ em thật đáng quí, em luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ. Mỗi khi được mẹ ôm ấp, nằm trong lòng mẹ em cảm thấy thật ấm áp. Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuỵêt vời nhất trong cuộc đời em... Em mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn. Em hứa sẽ chăm học và cố gắng học thật giỏi để trả ơn cho mẹ và thầy cô đã dạy dỗ, nuôi nấng em nên người. Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!


Tả con chó

Nhà em có nuôi một con chó lông xù, màu trắng. Em rất thương nó và nó cũng rất mến em. Mỗi khi đi học về, nó lúc nào cũng quấn quýt bên em.

Đây là loại giống chó Nhật, em đặt tên nó là Lucky. Khi mới về nhà, Lucky khoảng hai tháng tuổi, đến nay đã qua hai mùa giáng sinh. Bây giờ chú chững chạc, ra dáng “người lớn” lắm, cao đến đầu gối em. Đầu chú to gần bằng trái bưởi, trên đầu còn có một cái xoắn màu đen trông rất xinh. Cái mũi nhỏ ươn ướt màu đo đỏ nho nhỏ xinh xinh. Hai con mắt long lanh như hai hột nhãn. Cái mõm màu trắng bệt, dài khoảng mười xăng-ti-mét. Chú khoát lên người bộ lông trắng muốt từ trên xuống dưới. Lucky thích tắm lắm nên bộ lông chú rất sạch sẽ, mượt mà và êm dịu…

Lucky rất khôn ngoan, không bao giờ cắn người hay gặm phá đồ vật. Chú như một người bảo vệ rất giỏi, đã nhiều lần giúp ba em bắt trộm.

Cả nhà em đều quý Lucky, nhờ có chú mà gia đình em không sợ trộm nữa, đêm nào cũng được ngon giấc. Em sẽ chăm sóc Lucky thật tốt, xem Lucky như một người bạn thân của mình…


Tả con đường em tới trường

Reng, reng… em với tay tắt chiếc đồng hồ báo thức rồi uốn người ngồi dậy kéo chiếc rèm cửa sổ sang một bên. Ánh nắng ban mai tràn ngập căn phòng báo hiệu một ngày mới lại bắt đầu. Em mở cửa phòng, xuống nhà làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi ôm cặp đi học.
Bước ra cửa ngõ, con đường làng quen thuộc hiện ra trước mắt, luỹ tre xanh rì rào trong gió, ánh nắng ban mai chiếu xuống vệ cỏ làm cho những giọt sương trở nên long lanh, lộng lẫy như những viên kim cương đính trên thảm nhung xanh. Em lấy chân đạp trên cỏ, một cảm giác mát lạnh khoai khoái thấm vào chân. Phía dưới vệ cỏ là con mương đào dẫn nước vào cánh đồng đang giữa tuổi dậy thì. Khắp nơi một màu xanh bát ngát tràn đầy sức sống. Trên bầu trời, những đàn cò trắng đang bay, từng gợn mây trắng nhỏ lững lờ trôi. Cơn gió thoang thoảng làm cây lúa dập dờn trông như chúng đang vỗ những cơn sóng xanh vào em. Đi thêm một đoạn nữa sẽ tới thượng nguồn của con mương. Nơi này là nơi rất đáng sợ mỗi khi tới mùa nước lớn. Nhắc tới đoạn này, em bỗng cảm thấy nghẹn ngào. Em nhớ lại cái chết của thầy giáo em. Ngày hôm ấy, sau khi dẫn dắt học sinh đi qua quãng đường này, thầy đã bị trật chân và dòng nước đã đưa thầy đi mãi mãi. Thôi, càng nhắc đến lại càng thấy buồn. Nhưng cũng nhờ đó mà em không còn bị mẹ đánh vì cái tội hay ra suối tắm. Đi thêm một chút nữa, khi mà ngôi trường hai tầng lợp mái ngói đỏ tươi dần hiện ra là cảnh ồn ào của chợ của vang lên, trường gần chợ, thật tuyệt vời vì ta có thể canh thử xem nên từ từ ăn quà hay là vội vã đi học. Và tuyệt vời hơn nữa là có một tiệm sửa xe chỉ cách cổng trường chừng mười mét. Nó đã làm các bạn học sinh chúng em bớt sợ khi có người đòi xả lốp xe.
Con đường làng của em là như thế đấy. Nó đã từng chứng kiến cuộc đời của biết bao người dân làng em và có thể sẽ dõi bước theo em mãi đến khi em trưởng thành và thẳng cánh bay xa đến một vùng đất mới.

Đề bài: Tả con đường quen thuộc từ nhà em tới trường.

Đề bài: Tả con đường quen thuộc từ nhà em tới trường.
Bài làm
          Trong suốt tuổi thơ tôi, tôi đã yêu mến vầ gắn bó với rất  nhiều đồ vật: chiếc áo đồng phục, đôi dép mòn quai, chiếc mũ bảo hiểm… Mỗi vât đều để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhưng có lẽ, quen thuộc và gắn bó với tôi nhất là con đường từ nhà đến trường.
          Con đường mang cái tên thật đẹp: Châu Phong. Con đường được lát bê tông, rất phẳng và rộng, đủ cho mấy chiếc xe hơi qua lại mà không va chạm. Hai bên đường là hai hàng cây xanh rờn, đung đưa những cánh tay, những mắt lá như vẫy tay chào khách qua lại. Mùi  hương hoa sữa thơm thoang thoảng  bay đi khắp nơi, thỉnh thoảng còn có những bông hoa “tinh nghịch” đùa trên tóc, lên áo người qua đường. Lấp ló sau những hàng cây là những tòa nhà một, hai tầng đủ màu sắc. Khi bình minh vừa lên, đường như được khoác chiếc áo mầu hồng tươi. Lác đác một vài người qua lại trên con đường . Lúc đó, có thể nghe thấy rõ tiếng rao hàng của cô hàng hoa, chị hàng xôi…. Dần dần, mặt trời lên cao, phố phường bắt đầu tấp nập. Tiếng bước chân trẻ em ríu rít dến trường, tiếng còi xe “bim bim”, làm cho cuộc sống trở nên vô cùng rộn ră…
          Đứng ngắm con đường từ lúc sớm cho đến lúc bình minh thật là thích. Em yêu con đường này lắm! Tuy bây giờ nó vẫn còn nhiều ổ gầ, nhiêu chỗ rạn nứt nhưng  sau này lớn lên, em mong muốn được góp phần xây dựng lại cho con đường cho nó trở nên đẹp hơn, khang trang hơn và an toàn hơn với người dân ở đây.


                                                                  Cao Thị Phương Thảo – 6G
Bài làm 2
          Tuổi thơ của tôi được gắn liền với dòng sông quê hương với cánh diều no gió, với những ngày cùng bạn bè bắt ve ,tu dế… Nhưng quen thuộc nhất, nơi dẫn dắt tôi đi tới trường, nâng bước chân lẫm chấm đầu tiên của tôi, đó là con đường từ nhà đến trường học.
          Con đường đến trường này hôm nào cũng tấp nập. Đường được lát xi – măng trông sạch sẽ. Vỉa hè hai bên  được lát gạch đỏ trông rất là đẹp.  Những cây phượng, cây bàng như những chiếc ô khổng lồ…xanh mát. Đây đó những bông cúc dại “mở mắt” chào đón ánh nắng bình minh. Chim hót líu lo trên các cành cây, chào mừng một ngày mới. Xe cộ tấp nập, tiếng còi xe bíp bíp nghe thật vui tai. Vài em nhỏ tung tăng tới trường. Chúng cười đùa vui vẻ làm cô nắng cũng phải ghé xuống mỉm cười. Tôi bước đôi chân  trên con đường quen thuộc đến trường mà lòng vui không tả xiết.
          Tôi sẽ không bao giờ quyên con đường đày ắp những tuổi thơ. Ở nơi đây, có tiếng bước chân ríu rít của bè bạn, có tiếng bước chân nhẹ nhàng của mẹ và có tiếng bước chân mạnh mẽ của cha. Tôi cũng biết rằng con đường này không những dắt tôi đi học mỗi ngàymà còn năng ước mơ đầu tiên của tôi bay xa.
\