Giới thiệu kĩ về tôi

Tên: Lê Huyền Chi

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

em-hay-ta-cay-phuong-vi-va-tieng-ve-vao-mot-ngay-he

Gần bên trường em có một cây phượng già, tán lá sum suê, những khi đi học, gặp trời nắng to, em thường đứng dưới gốc cây để tránh nắng.

Không hiểu cây đã trồng được bao lâu rồi. Em chỉ nghe ông bảo vệ già nói từ buổi đầu về trường này là ông đã thấy nó rồi, ngót nghét đến nay cũng đã mười hai năm. Cây phượng thật cao, ngọn của nó vượt cả mái ngói của trường. Thân to phải bằng cả ba vòng tay ôm của chúng em. Lớp da bên ngoài đã bạc phếch vì gió sương. Quanh gốc cây có cái bờ gạch nhỏ, đường kính khoảng năm mét, đã được một người tốt bụng nào đó tô láng bằng xi măng. Đó cũng là điểm hẹn của chúng em vào những buổi trưa hanh nắng. Cũng trên bờ gạch đó, chiều chiều em thường ngồi ngắm cây phượng tỏa bóng mát che cả một khoảng sân. Cái thân tròn tròn của nó đâm thẳng khoảng ba mét thì phân nhánh. Những nhánh to, nhánh nhỏ đều mọc xiên, đâm xòe ra các phía đầy những tán lá, trông xa như một cây dù to tướng màu xanh. Những chiếc lá phượng xòe ra đều đặn, đối xứng nhau. Lá đan dày đặc hứng nắng, gió, mưa và sương, do vậy khi ngồi dưới gốc cây em có cảm giác thật an toàn và mát mẻ. Đẹp nhất là khi phượng vào hè, hoa từng chùm trông rực rỡ hẳn lên, dù trời mưa hay nắng. Mưa, sắc hoa thâm lại. Nắng, sắc hoa tươi rực lung linh. Mỗi bông hoa nở, cánh xòe ra như cánh bướm, chỉ cần một cơn gió thoảng qua là chúng em vội chạy ra nhặt lấy đem về ép vào trang vở làm thành những chú bướm với đôi râu là chiếc nhụy vàng xinh xinh.

Ve kêu ra rả dưới tán lá phượng, hè về cũng là lúc chúng em chia tay nhau, chia tay cả gốc phượng già, nơi cho em bóng mát, cho cả kỉ niệm tuổi học trò.


Mùa hè yêu thương

Tôi cầm trên tay cành bằng lăng sắc tím dịu mát. Hạ đã về rồi, bâng khuâng cùng biết bao kỷ niệm. Trang sách hồng tuổi thơ in dấu những cánh phượng hồng, những tiếng ve ngân da diết của mỗi buổi chiều nắng đỏ yêu thương. Mây bay, gió ùa... Từng cơn gió nhẹ nhàng mang theo mùi nồng mặn của xứ sở bay đến khắp muôn nơi. Xuân qua, hạ đến, phút giây khẽ xao động trong cái tâm trí của người học sinh, tràn trên những vần thơ, khắc trên những kỷ niệm. Man mác cái hơi thở của mùa hè, lắng đọng chút dịu dàng của tà áo thiên thanh. Cùng với mưa, cùng với nắng,.... Hạ đã về rồi ư?
     Tôi yêu cái không gian này - những hạt nắng cứ lung linh, đầy đặn, trong trắng đến hồn nhiên, nhảy múa, nhấp nhô trên những tán cây bằng lăng đang ấp ủ những đứa con, để rồi tung mình bung ra những chùm hoa tím biếc ngập trời khi hạ đến.Cộng thêm cả cái gió thoảng đìu hiu, lạc lõng giữa trời tháng 3 Việt Trì. Những hạt nắng ngu ngơ đậu trên những ngọn cây, hay chạy nhảy đuổi nhau trên đường phố rong ruổi tháng ngày, khiến lòng người nao nao đến khó tả.
     Tôi cũng yêu lắm cái cơn gió thoảng hiu hiu nơi phố phường ồn ã. Gió nhẹ nhàng, gió mặn mà,... Nó cứ phơi phới cái sức sống nồng thắm như nàng thiếu nữ vừa tròn đôi mươi đang đứng trước cái ngưỡng cửa của cuộc đời, vừa e rè, vừa lo sợ nhưng lại tự tin và căng tràn sức sống. Gió chạy nhảy nghịch ngợm, sà vào mái tóc của chị Mây. Nó tinh nghich nhảy nhót trên những tán bàng xanh màu của sự sống. Nó hồn nhiên vui đùa cùng với nắng, cùng với hoa, hoà vào sự ngọt ngào của mùa hạ.
      Hạ về, cũng là lúc chúng ta lao đầu vào sách vở để ôn tập thật tốt cho đợt kiểm tra cuối kỳ. Dưới tán bàng xanh tươi lộng lẫy kia, từng tốp học sinh đang cùng nhau ôn bài, cười nói vui vẻ. Ngày tháng cứ trôi, và rồi kỳ kiểm tra cũng chấm dứt... Ve kêu náo động cả một khoảng trời, chất chứa bao cung bậc cảm xúc của người học sinh. Mỗi khi mùa hạ kết thúc, những ánh mắt buồn rầu lại nhìn nhau quyến luyến, bịn rịn.Có những đôi mắt lại ầng ậng nước long lanh, long lanh khi nắng vô tình chạy qua, chạm phải. Có cái miệng run run không biết nói gì, có đứa lại oà khóc không kìm được lòng ôm lấy đứa bạn thân nức nở.Thời gian trôi qua nhanh lắm! Hãy biết trân trọng nó, níu giữ nó. đừng để nó trôi qua vô ích rồi đến khi nhận ra cũng đã muộn lắm rồi.
     Mùa hạ đang đến, nó đến với hiền lành của nắng gió và sẽ đi qua trong dịu ngọt của tình bạn. Mùa hạ đang đến với bạn, với tôi, với cái cảm xúc bâng khuâng gõ cửa tâm hồn:
Khung trời mộng có phượng hồng rực cháy
Mưa đầu mùa đang gõ nhịp trong tim.

Tả về ông

Hôm qua là sinh nhật ông nội tớ! Ông mất khi tớ vừa tròn 6 tháng tuổi! Ông mất khi tớ chưa kịp có những khái niệm hay nhận biết cụ thể về ông nhưng tớ luôn có những cảm giác rõ ràng về ông qua những chuyện kể của bà và mọi người trong gia đình.

Người ta nói “sống gửi thác về” và khi con người ta trở về với cát bụi thì người trần gian lấy ngày giỗ để tưởng nhớ họ... Nhưng gia đình tớ hơi khác một chút, ngày giỗ đã đành nhưng vào ngày sinh nhật của ông bà, hay bác tuy đã mất rồi nhưng cả nhà đều làm gì đó để tưởng nhớ.

Nếu ông còn sống thì lần này là ngày sinh thứ 98 của ông, bố mẹ sửa lễ, còn tớ đi làm thật sớm để mua hai chục sen thắp hương bàn thờ ông bà. Tớ cũng không biết có phải ông nội thích hoa sen hay không, nhưng một năm trước khi bà mất, vào ngày giỗ ông bà đã nhất định nói tớ phải tìm mua bằng được chục sen trắng thắp hương ông... Tớ nhớ điều đó và hôm qua dậy thật sớm, mua hai chục sen mang về nhà rồi mới vòng xe đi làm. Sáng sớm nay tớ nghe tiếng bố mẹ trò chuyện trên tầng 4, khen rằng tớ mua sen đẹp quá, những cánh sen trên bàn thờ ông bà đã xòe cánh và tỏa ngát hương... Tớ biết bố mẹ tớ đang rất vui...

Ông ngoại mất trước khi tớ ra đời 10 năm, ông nội mất khi tớ được nửa tuổi… Ông ngoại là thầy giáo, còn ông nội là nhà ngoại giao, đôi khi tớ ao ước lắm lắm rằng tuổi thơ của mình có cả hai người ông dạy bảo. Tớ không có những phút được ông đưa đi chơi, được ông dạy cho mọi điều trong cuộc sống. Tớ thèm cảm giác được có ông. Có ông sẽ tuyệt thế nào nhỉ? Bố mẹ cả ngày bận rộn với công việc, bà có thời gian trông nom các cháu nhưng có những phút bận cơm nước, anh chị em có lúc còn phải học... vậy là trong gia đình đương nhiên ông sẽ là người có nhiều thời gian nhất để “thủ thỉ” với cháu rồi.

Và thế là tớ thích tưởng tượng cảnh nếu từ nhỏ tớ còn cả ông nội và ông ngoại, tớ sẽ hỏi ông những điều gì, ông sẽ trả lời tớ ra sao.

Tớ thích tưởng tượng cảnh ông ngồi trên chiếc ghế sắt Liên Xô ở hiên nhà và đọc tờ báo Nhân Dân.

Tớ thích tưởng tượng cảnh chiều chiều ông dạy tớ học bài, cho tớ đi Bách Thảo và nói cho tớ tên của từng loại cây.

Tớ thích tưởng tượng cảnh ông bà hàng chiều dắt tay nhau sang nhà các con cháu chơi và trở về vào đúng giờ cơm tối...

Hồi học cấp I, có lần tớ phải ở nhà một mình, tớ rất sợ, và bạn có biết tớ đã làm gì không? Tớ nhìn lên bàn thờ ông, và nghĩ rằng, đừng sợ, vì ông luôn ở bên cạnh mình! Thấy bạn bè có ông đưa đi học, ông kể cho bao nhiêu chuyện, dậy bao nhiêu điều thú vị... tớ ghen tỵ lắm. Tớ có bà, điều đó đã là hạnh phúc hơn bao nhiêu người rồi, bà chăm sóc tớ từ nhỏ, bà dậy tớ rất nhiều điều, nhưng vẫn khác lắm nếu tớ còn ông...

Trong cảm nhận và tưởng tượng của tớ, ông là một nhà ngoại giao tuyệt vời, ông là người yêu nước, là người chịu hy sinh, là người chồng tình cảm, là người cha tận tụy với 9 người con, người bố chồng luôn tâm lý với cô con dâu là mẹ tớ, là người ông cực nghiêm khắc với các anh chị tớ... Ông không nói nhiều, ông cười rất hiền, và ông biết không, ánh mắt ông trong tấm ảnh trên bàn thờ đã tiếp sức cho tớ rất nhiều!


Gia đình tôi năm 1985 - hình ảnh: theo blog Chit
Các anh chị em nhà tớ chưa bao giờ chán nghe chuyện tình những năm đầu thế kỷ XX của ông bà. ( Ông bà tớ là phù dâu và phù rể trong một đám cưới, và hôm đám cưới người bạn ông bà, có một tiếng sét yêu đã đánh đoàng một cái... thế là sau này có bọn tớ đấy)... Và ông bà, luôn là hình mẫu đẹp để chúng tớ hướng tới.

Tớ không bao giờ quên câu chuyện cái tên của tớ được ông đặt giữa những Mai Anh, Ngọc Anh... làm bà và bố mẹ đau đầu vì lựa chọn, và ông đã “thắng” cả nhà với cái tên theo tớ suốt cuộc đời đấy!

Tớ không bao giờ quên chuyện kể vào ngày đầy tháng tớ, ông nội lom khom xếp cả một hộp bánh quy- mấy chục chiếc bánh nhỏ xíu thời bao cấp khó khăn đó thành chữ A – biểu tượng tên của tớ!

Tớ không bao giờ quên chuyện kể những lúc bà đi chợ nấu cơm, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt là bế tớ. Chẳng mấy người cha, người ông biết ru trẻ con, ông tớ cũng vậy, nhưng bạn có biết ông RU tớ thế nào không: “Dùng dình dùng dình, dùng dình dùng dình”. Tớ không biết ý nghĩa của những câu ông Ru, nhưng tớ biết khi bế tớ và nói những câu như thế, ông nghĩ rằng cháu gái của mình sẽ ngoan, rất ngoan.

* Tớ không bao giờ quên mọi người kể khi tớ đầy nửa năm, ông mất. Đó là một ngày hè nóng lắm... Hôm ấy tớ vô tư ở bên nhà hàng xóm và ăn hết hơn một đĩa bột rất to...

Ông tớ dáng cao cao, gầy gầy. Ông bị cận khá nặng (hồi xưa bà tớ xem tử vi thấy bảo lấy phải anh chồng có tật ở mắt, bà lo lắm, ai ngờ “vớ” phải đúng anh chàng trí thức cận thị...) Tớ rất tự hào vì tớ có đôi mắt hiếng cận thị giống ông!



Nếu bạn vẫn còn ông bà, đó không chỉ là điều may mắn mà còn là niềm hạnh phúc, hãnh diện. Một cuộc gọi điện hỏi thăm ông bà, một vài phút lắng nghe ông bà kể chuyện một ngày của ông bà, một chút thời gian đưa ông bà đi chơi... Bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi đấy!

... Ông bà nội ngoại của tớ mất cả rồi. Thường ngày bận bịu công việc, có khi thắp nén hương cho ông bà cũng quên nhưng có những lúc nhớ lắm lắm... Tớ tin một điều rằng, ở nơi xa lắm, ông bà nội, ông bà ngoại của tớ đang cùng dắt tay nhau tới những nơi rất đẹp, và thỉnh thoảng ông bà sẽ ghé về nhà con cháu vào những sớm mai hay khi cơm chiều vừa dọn!
(ST)

Nhà chỉ có một cái tivi. Tối cuối tuần, ông bà thích xem cải lương, còn cháu lại mê bóng đá. Ông bà đã già, thần kinh không còn tốt nên cứ vừa xem lại vừa ngủ gật. Vậy, nhưng lại cứ thích xem.

Đứa cháu sốt ruột nói: "Ông bà ngủ gục mà xem gì. Thôi để cháu xem bóng đá cho rồi". Vừa nói, nó vừa lấy cái điều khiển từ xa bật qua xem đá bóng. Thằng cháu mê mải xem, chẳng hề để ý đến ông bà đang ngồi nhìn nhau, ái ngại và pha lẫn bực dọc. Ông bảo bà, giọng hơi lẫy: "Thôi đi ngủ, bà". Thằng cháu vẫn vô tư ngồi xem ti vi, không hề biết rằng đã làm ông bà buồn. Hôm sau, ông kể lại câu chuyện ấy với bạn bè thì mới hay: ông chẳng phải là trường hợp ngoại lệ.

Nhà ông bà Minh chật chội, kinh tế lại khó khăn không có điều kiện cho con cái ra riêng. Con trai, con gái lập gia đình xong đều về ở chung thành một đại gia đình. Mâu thuẫn giữa chị chồng, em dâu; con cô, con cậu thường xuyên xảy ra khiến ông bà phải phân xử phát mệt. Nhưng la đứa này thì lại sợ đứa kia suy diễn ông bà "nhất bên trọng nhất bên khinh". Rồi đến việc ông bà ưng ăn cơm nát, có canh, rau còn bọn trẻ thì lại thích ăn cơm khô, thức ăn kho khô. Thường thì bố mẹ bọn trẻ thường chiều theo ý của chúng hơn... Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm ông bà không mấy khi được thanh thản.

Sự khác biệt giữa già với trẻ là tất yếu vì già đã qua thời trẻ còn trẻ thì chưa tới tuổi già. Sự khác biệt thế hệ khiến cho nhiều gia đình "tam, tứ đại đồng đường" khó tìm được tiếng nói chung trong sinh hoạt hàng ngày và trong lối sống. Do trải qua những tháng ngày vất vả, nghèo túng nên người già rất tiết kiệm, chắt chiu. Anh Trần Khánh Giang tâm sự: "Mỗi lần sắm sửa vật dụng trong nhà là tôi đến khổ với mẹ. Tính bà tiết kiệm, chẳng muốn tôi tốn tiền mua sắm gì cả. Có lần tôi thuê người chở cái máy lạnh về nhà, cụ cứ mắng xối xả cái anh xích lô làm cho anh ta chạy mất dép. Chẳng bao giờ bà cho con cháu vứt đi tí đồ cũ nào mà cứ gom góp lại, để chật tủ, chật phòng, dù chẳng bao giờ dùng đến nữa".

Không chỉ khác nhau trong sinh hoạt mà mâu thuẫn già - trẻ thường phát sinh khi **ng tới vấn đề "lập trường-quan điểm". Người già thường theo những nếp suy nghĩ cũ, khó thích nghi với lối sống hiện đại, có phần vị kỷ của lớp trẻ. Trẻ thường chê già trái tính, còn già lại trách trẻ ích kỷ, vô ơn.

Người già, phải đối mặt với quá trình suy thoái nhanh theo quy luật tự nhiên. Sức khỏe giảm sút, không còn nhanh nhẹn như xưa. Trí nhớ chủ yếu của người già là về những sự kiện thời trai trẻ, những lối sống, hoàn cảnh cũ mà tuổi trẻ không thể cảm nhận được, còn những việc trong hiện tại lại mau quên... Bởi vậy con cháu cần phải hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý của tuổi già để hiểu và thông cảm với các cụ hơn. Tuy nhiên, người già có những ưu điểm mà người trẻ không thể có được là tình thương vô bờ, luôn dành cho con cháu phần tốt nhất vì với họ, con hay thì được nhờ, con dở thì mình đành chịu. Người già là một kho kinh nghiệm và là cầu nối giữ gìn tính chất gia tộc truyền thống... Chị Hoàng Thanh Nga kể lại: "Ba tôi là người thương con cháu vô bờ. Mọi việc ăn uống tắm rửa cho các cháu đều một tay ông lo liệu. Chuyện cúng quải, ơn nghĩa với họ hàng cũng đều một tay ông. Với tôi, ông vừa là cha vừa là mẹ. Bởi vậy khi ba mất, tôi hụt hẫng cả năm trời…".

Ông Khưu Chương Sằn, 82 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước, hiện nuôi mẹ già trên trăm tuổi và có một đại gia đình đông đúc gần 30 con cháu - được địa phương bầu chọn là gia đình ông bà mẫu mực, con cái thảo hiền, đã đúc kết kinh nghiệm sống của mình: "Đã là cha mẹ, ông bà thì sống phải mẫu mực, sống sao cho con cháu nể sợ và noi theo. Sống chung trong đại gia đình mọi người phải nhường nhịn nhau mà sống, dạy con cháu biết tôn trọng, vâng lời ông bà, cha mẹ. Con cháu có gì sai trái thì phải gọi chúng đến trách mắng đàng hoàng, không **ng đâu nói đó... dễ sinh nhờn".

Đối với người già, để không cản trở cuộc sống của con cháu mình, cần tích cực tham gia vào xây dựng đại gia đình, có thể chủ động bàn bạc với con cái để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất cho cả hai thế hệ già-trẻ, cố gắng khắc phục những "khoảng trống" theo hướng tích cực. Đối với người trẻ cũng cần phải tôn trọng ý kiến, sở thích của ông bà, cần phải luôn ghi nhớ lời dạy của người xưa: "Trẻ cậy cha, già cậy con"


Thư giãn

GIẢI HỎNG

Tý:    - Mẹ ơi, hôm nay cô giáo con thông báo kết quả thi HSG rồi. Con cũng có giải đấy mẹ ạ.
Mẹ:  - Thế con của mẹ được giải gì để mẹ thưởng nào?
Tý:    - Ai đi thi cũng có giải mẹ ạ, có bạn được giải Nhất, có bạn được giải Nhì, giải Ba, còn con được giải Hỏng.

Mẹ:   - !!!
Bánh Trung Thu "cao cấp"
Thông minh: Chả hiểu sao, hôm qua tớ mua cái bánh Trung Thu ở cửa hàng "Bánh Trung Thu cao cấp" mà ăn vào bị Tào Tháo đuổi mấy lần liền. Thế mà họ để biển là "cao cấp" nhỉ!
Mít đặc: Trông thế mà cậu chả biết gì nhỉ, ha....ha.......
Thông minh: Đấy, cậu biết vì sao thì nói đi.
Mít đặc: Thế, nếu người ta để biển là "Bánh Trung Thu thấp cấp" thì ai thèm mua, đúng không!
Thông mình: Ờ nhỉ..... có lý.
Chọn ghế
 Phương phì: Vui quá! Mai là ngày khai giảng rồi.
Quân còi: Tớ hứa mai sẽ chọn cho cậu 1 chiếc ghế chắc chắn nhất và mới nhất!
Phương phì: Ôi! Cậu tốt quá, cảm ơn nhé!
Quân còi: Không phải cảm ơn đâu. Kẻo cậu ngồi ghế cũ nhỡ xập ngã vào người tớ gãy chân thì khổ.
Phương phì ( Tức đỏ mặt): Hừ!!
........


Luôn bên bạn

Đừng sống trong quá khứ
Hãy sống với hiện tại
Vượt qua mọi khó khăn
Đừng nản chí, lùi bước.

Hãy quên đi tất cả
Những nỗi buồn khi xưa
Mọi thứ sẽ qua đi
Chỉ cần bạn cố gắng.

Hãy sống cho thật tốt
Sống có tình yêu thương
Vượt lên trên tất cả
Để tiến đến niềm vui.

Chúc bạn luôn vui nhé!
Luôn bên bạn là tôi
Những lúc bạn thấy buồn
Sẻ chia cùng bạn nữa.

Chúng ta mãi bên nhau
Sống những ngày vui vẻ
Luôn bên nhau bạn nhé!
Chỉ có bạn và tôi.

Tả Con đường từ nhà đến trường

Con đường từ nhà đến trường là cả một chặng đường dài đầy thơ mộng.Em hãy tả lại con đường đó và nêu lên cảm nghĩ của mình.

Bài làm:
Sáng nay, bầu trời cao xanh lồng lộng. Ánh nắng chan hòa khắp mọi nơi. Tôi lại tung tăng cắp sách tới trường, trên con đường làng quen thuộc. Đó là cả một chặng đường dài đầy thơ mộng đối với tôi.

Ôi chao, con đường mới đẹp làm sao! Nó như một dải lụa đào mềm mại. Lúc thì uấn quanh xóm làng, lúc thì men theo đầm nước, lúc lại chạy giữa cánh đồng. Đó là con đường trải nhựa phẳng lì, nhẵn bóng. Mặt đường không rộng lắm nhưng cũng đủ để hai ô tô tránh nhau. Mặt đường lúc nào cũng sạch bong.Trời nắng không một tí bụi, trời mưa không một vũng nước. Bởi con đường được thiết kế rất khoa học. Lồi lên ở giữa và thoai thoải về hai bên để tiện cho việc thoát nước. Khác hẳn với con đường trước đây chưa được giải nhựa. Mặt đường hẹp lại gồ ghề. Trời nắng bụi tung mù mịt. Trời mưa, đường trơn như đổ mỡ. Thế mà giờ đây, được sự quan tâm của Đảng con đường đã hoàn toàn khác. Nó như một cô Tấm còn e ấp vừa bước ra từ quả thị.

Để tô điểm cho con đường thêm đẹp thêm xinh, hai bên đường, người ta còn trồng cây xanh rợp bóng mát. Vào mỗi buổi sáng, trên con đường nhộn nhịp hẳn lên bởi các chú chim ríu rít chuyền cành trên các tán lá cây. Dưới mặt đường tấp nập người qua lại. Ai cũng đều cảm thấy thỏa mái mỗi khi đi trên con đường này. Không những thế, những ruộng lúa rau mầu hai bên đường còn mang lại hương thơm ngan ngát. Đặc biệt đến đoạn đường gần trường có hàng cây bạch đàn chạy dài cả trăm thước. Lần nào đi qua đấy tôi cũng thả lòng mình hít thở thấy sự khoan khoái thấm sâu vào từng thớ thịt.

Đã từ lâu, con đường từ nhà đến trường đã trở thành người bạn thân thiết của tôi. Đường cùng tôi đi học, đường cùng tôi về nhà, đường còn chia sẻ bao niềm vui nỗi buồn trong những năm tháng cắp sách tới trường của tôi.

Ôi con đường đến trường thật thân thuộc...! Nó quả là một người bạn không thể thiếu được của tôi. Tôi rất tự hào về con đường này. Hình ảnh con đường với bao kỉ niệm sẽ mãi mãi in đâm trong tâm trí tôi.


Cây bút thần

I. Mở bài:
- Giới thiệu hoàn cảnh của chính bản thân:
+ Mồ côi cha mẹ từ nhỏ
+ Phải tự thân kiếm sống
+ Thích vẽ.
II. Thân bài:
1. Trước khi có cây bút thần.
- Học vẽ thành tài.
- Thần cho cây bút: vẽ mọi thứ thành thật.
2.Những việc làm khi có cây bút thần.
- Đối với mọi người:.
+ Ta vẽ cho tất cả người nghèo: cày, cuốc, thùng múc nước, đèn…
- Đối với tên địa chủ:
+ Mặc cho hắn dụ dỗ, dọa nạt, ta cũng không vẽ gì cả.
+ Bị nhốt, ta vẽ bánh nướng để ăn, lò sưởi để chống rét,thang và ngựa chạy trốn, vẽ cung tên bắn chết tên địa chủ.
- Đối với nhà vua:
+ Vua bắt vẽ rồng, ta vẽ cóc ghẻ
+ Vua bắt vẽ phượng, ta vẽ gà trụi lông.
+ Vua bắt vẽ núi vàng, ta vẽ núi đá.
+ Vua bắt vẽ thỏi vàng, ta vẽ mãng xà.
+ Vua bắt vẽ biển để ngao du, ta vẽ biển động dữ dội.
=> Chiếc thuyền bị chôn vùi trong những lớp sóng dữ.
=> Đó là cái giá phải trả cho những kẻ tham lam và độc ác.
III. Kết bài:
- Từ đó ta đã đi khắp nơi để giúp đỡ những người dân nghèo khó.
- Mặc dù có cây bút thần nhưng không bao giờ ta vẽ vàng bạc châu báu mà chỉ vẽ những vật dụng hàng ngày mà con người cần đến vì phải dựa trên lao động, con người mới quý trọng những gì mình làm ra.